Bệnh chân tay miệng ở trẻ ngày càng bùng phát trên diện rộng, đáng lo hơn là con bạn có thể mắc chân tay miệng vào bất kì thời điểm nào trong năm. Vậy bạn có biết ngoài chế độ chăm sóc giữ vệ sinh sạch sẽ cho trẻ thì cần cho trẻ bị chân tay miệng kiêng gì và không nên kiêng gì hay chưa?
Bệnh chân tay miệng là gì?
Bệnh chân tay miệng là bệnh gây nên bởi virus đường tiêu hóa, chủ yếu là 2 loại virus Coxsackie virus A16 và Enterovirus 71 (EV71). Bệnh có thể lây truyền dễ dàng qua nước bọt, dịch hầu họng, phân, đồ dùng chung của người bệnh, tốc độ lây truyền rất nhanh và dễ dàng bùng phát thành dịch vào 2 thời điểm trong năm là từ thánh 3-5 và tháng 9-12.
Bệnh chân tay miệng phổ biến ở trẻ nhỏ dưới năm tuổi, có thể gặp ở trẻ lớn hơn và cả người lớn.

Bệnh chân tay miệng ở trẻ nếu không được chăm sóc điều trị đúng cách có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm.
Triệu chứng của bệnh rất điển hình: ban đầu trẻ chỉ sốt nhẹ và có các dấu hiệu như nhiễm virus thông thường như ho, hắt hơi, sổ mũi, đau họng. Sau đó, các nốt màu đỏ kích thước từ 2-3 mm, bên trong có chứa dịch xuất hiện nhanh chóng trong khoang miệng của trẻ từ lưỡi đến quanh vòm họng, hai bên má phía trong, có thể lan ra phía ngoài xung quanh miệng. Các nốt này vỡ ra để lại các vết loét gây đau rát cho trẻ. Đến ngày thứ 2-3 các nốt đỏ chứa dịch bên trong xuất hiện cả ở tay, chân, bẹn thậm chí cả ở bộ phận sinh dục ngoài của trẻ.
Các nốt mụn nước này sẽ từ từ mất đi và trẻ sẽ khỏi sau 7-10 ngày. Bệnh chân tay miệng ở trẻ không nguy hiểm, tuy nhiên nếu không chăm sóc đúng cách có thể dẫn đến các biến chứng cực kì nguy hiểm như viêm màng não, viêm cơ tim, viêm phổi, phù phổi.
Trẻ bị chân tay miệng NÊN KIÊNG gì?
Trẻ bị chân tay miệng có thể tự chăm sóc điều trị ở nhà, tuy nhiên cần lưu ý cho trẻ kiêng một số tác nhân như:
+ Kiêng đồ ăn có vị cay, chua, mặn, nóng vì sẽ gây cảm giác đau rát lên các vết loét trong miệng trẻ.
+ Kiêng đồ ăn cứng, rắn: các mụn nước bên trong khoang miệng của trẻ rất dễ vỡ, do đó việc va chạm, cọ sát với các đồ ăn cứng có thể làm vỡ các bọng nước bên trong ra gây đau rát và nặng hơn tình trạng bệnh của trẻ.

Tuyệt đối cho trẻ kiêng đồ cay nóng nếu không muốn tình trạng bệnh chân tay miệng của trẻ càng nặng thêm.
+ Kiêng các loại xà phòng tắm có tính tẩy mạnh: mẹ đừng vì nghĩ các loại xà phòng có tính tẩy mạnh sẽ cho hiệu quả sát trùng tốt trên da trẻ mà sử dụng chúng trong khi trẻ đang bị chân tay miệng, chỉ các loại xà phòng, sữa tắm có nguồn gốc thiên nhiên có tác dụng dịu nhẹ mới được khuyến khích dùng cho trẻ, đặc biệt là khi da trẻ đang bị tổn thương.
+ Kiêng cho trẻ tiếp xúc với nhiều người: điều này sẽ tránh lây bệnh chân tay miệng cho người khác đồng thời cũng giảm bớt nguy cơ trẻ bị nhiễm trùng thêm từ những nguồn lây bệnh khác.
Trẻ bị chân tay miệng KHÔNG NÊN KIÊNG gì?

Tắm hoặc lau rửa cơ thể cho trẻ bị chân tay miệng thường xuyên để vi khuẩn không có cơ hội phát triển bùng phát trên da bé.
+ Không nên kiêng tắm: nhiều cha mẹ có quan niệm trẻ cứ bị mắc bệnh ngoài da, nổi những nốt đỏ trên da thì cần kiêng tắm, điều này hoàn toàn sai lầm. Việc kiêng tắm cho trẻ chỉ làm cho vi khuẩn trên da trẻ có cơ hội phát triển mạnh thêm và nguy cơ rất cao gây nhiễm trùng bội nhiễm nốt mụn nước đã vỡ.
+ Không nên kiêng gió quá mức: tránh cho trẻ ra ngoài tiếp xúc với người khác và bụi bẩn là điều nên làm nhưng nhiều bà mẹ lại kiêng gió cho con quá mức bằng cách bọc kín trẻ trong những lớp quần áo chật chội, kém thông thoáng. Điều này chỉ làm cho trẻ thêm khó chịu và vết thương trên da trẻ không được đảm bảo sự thông thoáng để có thể vỡ ra và đóng vảy một cách tự nhiên.
Những việc tuyết đối không làm với trẻ bị bệnh chân tay miệng
+ Tuyệt đối không được cố gắng làm vỡ các mụn nước trên da trẻ vì điều này sẽ chỉ gây cảm giác đau rát cho trẻ, thậm chí còn gây lây lan bệnh ra những vùng da xung quanh.
+ Không ép trẻ ăn khi trẻ đang cảm thấy đau rát miệng và không muốn ăn, thay vì đó mẹ có thể cho trẻ uống một cốc sữa lạnh hay một cốc nước ép trái cây vừa cung cấp chất dinh dưỡng vừa bổ sung vitamin cho trẻ mau chóng lành các vết thương trên da.

Không ép trẻ ăn khi trẻ thực sự không muốn để tránh gây nôn trớ.
+ Không tùy tiện cho trẻ dùng thuốc kháng sinh để điều trị chân tay miệng: bệnh gây nên bởi virus do đó thuốc kháng sinh không cho hiệu quả điều trị trong trường hợp này, chỉ sử dụng kháng sinh khi bác sĩ chỉ định nếu có nhiễm trùng bội nhiễm.
+ Không tùy tiện bôi các thuốc không rõ nguồn gốc, công dụng lên các nốt trên da trẻ, điều này vừa có nguy cơ nhiễm trùng da trẻ vừa gây khó khăn cho việc chẩn đoán bệnh và quá trình tự lành của vết thương.
Những lời khuyên cho cha mẹ có con bị bệnh chân tay miệng. h2
Bệnh gây nên bởi virus và hiện nay vẫn chưa có thuốc kháng virus này một cách đặc hiệu, do đó nguyên tắc quan trọng trong điều trị bệnh chân tay miệng cho trẻ là tăng cường sức đề kháng cho trẻ để cơ thể bé mau chóng loại bỏ hoàn toàn virus.
Việc tối quan trọng trong việc chăm sóc trẻ bị bệnh chân tay miệng là giữ vệ sinh sạch sẽ cho trẻ và bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng cho trẻ, tuy nhiên, trước tình trạng trẻ bị đau rát miệng thì có cách nào để mẹ cho trẻ ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng đây? Mẹ có thể tham khảo một số gợi ý sau:
+ Tăng số lượng bữa ăn trong ngày của trẻ (mỗi bữa có thể cách nhau 3-4 tiếng) và giảm lượng thức ăn cho trẻ trong mỗi lần ăn để tránh trẻ nôn trớ.
+ Đối với trẻ đang còn bú mẹ, mẹ cần cho trẻ bú thành nhiều hơn trong một ngày.
+ Đối với trẻ đang ăn dặm hay đã ăn quen được thực phẩm rắn thì trong khoảng thời gian này cần chuyển hết các thực phẩm về dạng mềm hoặc lỏng: thay vì ăn cơm hãy cho trẻ ăn cháo, thay vì ăn hoa quả hãy cho trẻ uống nước ép hoa quả.

Nước ép các loại hoa quả đặc biệt là cam, quýt, bưởi chứa nhiều Vitamin C rất tốt cho quá trình lành vết thương của trẻ trong bệnh chân tay miệng.
+ Để đẩy nhanh quá trình lành hóa các vết loét, mẹ cần bổ sung các loại vitamin và các chất vi lượng cho trẻ, đặc biệt là vitamin C. Nước ép cam, nước ép bưởi là lựa chọn cực tốt cho trẻ. Nhưng mẹ lưu ý có thể thêm đường vào nước ép nếu cần thiết để tránh gây rát, sót cho trẻ khi uống nước cam hay bưởi có vị chua mẹ nhé.
+ Sữa chua cũng được khuyến khích dùng cho trẻ, sữa chua có dạng mềm gần như lỏng nên trẻ rất dễ nuốt, hơn thế sữa chua giúp làm tăng hệ vi khuẩn có lợi ở đường ruột, tăng sức đề kháng cho trẻ.
+ Một số thực phẩm tốt cho trẻ bị bệnh chân tay miệng như: nước dừa (cung cấp nước và muối khoáng), khoai tây nghiền, soup rau củ, trứng…
+ Vệ sinh khoang miệng cho trẻ sau khi ăn bằng nước muối pha thật loãng để tránh tình trạng thức ăn tồn đọng trong khoang miệng của trẻ vừa gây khó chịu vừa tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển.
Trên đây là một số lời khuyên đối với cha mẹ khi điều trị chân tay miệng cho trẻ tại nhà. Mong rằng có thể phần nào giúp cho các bậc cha mẹ chăm sóc con yêu tốt hơn tại nhà.
Có thể mẹ quan tâm: